

Tấm gương học đường

DẠY HỌC THEO DỰ ÁN- PHÁT HUY NĂNG LỰC, TÍNH SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH TẠI TRƯỜNG THPT NGA SƠN
I. LÝ DO LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THEO DỰ ÁN
Phương pháp PBA là một phương pháp dạy và học tập trung vào người học, giáo viên đóng vai trò trợ giúp. Đây là phương pháp giảng dạy và học tập dựa trên việc đề ra một dự án cho người học và người tham gia cần hợp tác với nhau để tạo ra một sản phẩm cụ thể, một bài thuyết trình hay một bài thu hoạch khi kết thúc một dự án. Phương pháp dạy học theo dự án là mô hình học tập mới giúp phát triển kiến thức cùng các kỹ năng bản thân của học sinh thông qua những nhiệm vụ. phương pháp này khuyến khích việc học sinh tự tìm tòi và trau dồi kiến thức cũng như hiện thực hóa kiến thức trong quá trình tạo ra sản phẩm do chính mình làm. Nhằm đạt được mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực cho học sinh, việc xây dựng và vận dụng những hình thức dạy học phát huy năng lực, tính sáng tạo của học sinh trong dạy học môn tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng.
Trong những phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng, Dạy học theo dự án - Project based activities (PBA) đã và đang là một phương pháp mà tổ Ngoại Ngữ Trường THPT Nga Sơn đang thực hiện. Phương pháp này quả thực mang lại rất nhiều lợi ích trong dạy và học môn Tiếng Anh như:
- Định hướng thực tiễn: Chủ đề bắt nguồn từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp sẽ giúp học sinh liên hệ các kiến thức đã học với cuộc sống.
- Định hướng hứng thú người học: Với phương pháp dạy học dự án, sự hứng thú của học sinh với môn học được chú trọng và đầu tư. Theo đó, học sinh được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với bản thân.
- Định hướng hành động: Sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực hành là nhiệm vụ hàng đầu khi áp dụng phương pháp dạy học theo dự án. Qua đó, giáo viên kiểm tra, củng cố, mở rộng kiến thức lý thuyết và nâng cao kỹ năng hành động, thực hành của người học.
- Mang tính phức hợp, liên môn: Dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều môn học và nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết nhiệm vụ đề ra.
-Tính tự lực của người học: Người học cần tham gia tích cực, chủ động trong quá trình học. Bên cạnh việc giáo viên đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, cần đảm bảo mức độ tự lực của học sinh phù hợp với khả năng của người học và độ khó của nhiệm vụ.
-Cộng tác làm việc: Dạy học theo dự án rèn luyện tính cộng tác giữa học sinh và giáo viên, kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên cũng như với các lực lượng xã hội khác. Điều này còn được gọi là học tập mang tính xã hội.
-Định hướng sản phẩm: Các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong việc thu hoạch lý thuyết, mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Nói cách khác, những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố và giới thiệu.
II. HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Xác định chủ đề.
2. Giáo viên đưa ra chủ đề và phân công các nhiệm vụ học tập cho nhóm.
3. Các nhóm thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Giáo viên quan sát quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ, giáo viên và học sinh trao đổi thông tin cần thiết cho việc tạo sản phẩm).
5. Giáo viên cho học sinh làm sản phẩm (giáo viên quan sát, hỗ trợ).
6. Giáo viên tổng hợp kết quả làm việc của từng nhóm.
7. Học sinh trình bày sản phẩm; phản hồi sản phẩm
8. Giáo viên đưa ra phản hồi về việc học sinh sử dụng ngôn ngữ cũng như các nội dung học tập khác.
9. Giáo viên giao nhiệm vụ mới.
III. TIẾT DẠY MINH HỌA
UNIT 2: HUMANS AND THE ENVIRONMENT
Lesson 8: Looking back and project
Lớp : 10A
Giáo viên thực hiện: Lê Thị Bốn
Trường THPT Nga Sơn
Nội dung dự án: Thông qua chủ đề bài học Humans and the environment giáo viên chia lớp học theo 4 nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm: Mỗi nhóm tự thiết kế một poster nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường.
Cách thức tiến hành:
Chuẩn bị:
- Xây dựng ý tưởng: Tìm hiểu, phát hiện vấn đề thực tiễn môi trường cần giải quyết.
- Lựa chọn chủ đề, tiểu chủ đề: Lựa chọn một trong những vấn đề đã phát hiện để làm dự án.
- Lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập:
- Lập kế hoạch những công việc cần làm
- Thời gian dự kiến: 1 tuần
- Vật liệu, kinh phí: Mua giấy Ao, bút màu làm poster
- Phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.
Thực hiện dự án:
Thu thập thông tin: Thu thập thông tin và xử lý thông tin thu được về vấn đề môi trường xung quanh nơi sinh sống.
Kết thúc dự án:
- Xây dựng sản phẩm và trình bày kết quả: Sản phẩm dự án là mỗi nhóm 1 poster về môi trường và có tính tuyên truyền mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
- Đánh giá dự án: Đánh giá sản phẩm của nhóm theo tiêu chí đã đưa ra.
Kết quả đạt được:
- 4 nhóm học đã hoàn thiện 4 posters về bảo vệ môi trường, trình bày sản phẩm và thuyết trình trước lớp học.
- Sản phẩm của các nhóm có tính ứng dụng thực tiễn dùng treo tại lớp học hoặc bảng tin của Đoàn trường để nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường.
- Thông qua bài học dự án học sinh có cơ hội phát huy tính sáng tạo, phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, thực hành kỹ năng cộng tác, hỗ trợ làm việc nhóm, rèn luyện năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp, phát triển năng lực đánh giá, học sinh trở nên tích cực và có kỹ năng tự học tốt.
- Học sinh mở rộng nhiều vốn từ về chủ đề bài học thông qua quá trình tự thu thập thông tin, tổng hợp và thực hiện dự án.
Hình ảnh minh họa:

